Giới thiệu sách “What, Then, Is Liturgy ? Musings ang Memoir” Lược Dịch “Phụng Vụ Là Gì?” của tác giả Anscar J. Chupungco, O.S.B.

Các tác giả

  • Fr. Joseph Thế Lân, OP Học Viện Liên Dòng Phaolo Nguyễn Văn Bình, Vietnam

DOI:

https://doi.org/10.54855/csl.255112

Từ khóa:

bản tính con người và thần linh, Phụng vụ , Đến Chúa Cha, Nhờ Chúa Con, Trong Thánh Thần, Phụng vụ và Linh đạo

Tóm tắt

Quyển sách này có nguyên tác What, Then, Is Liturgy? Musings ang Memoir, được nhà xuất bản Liturgical Press phát hành năm 2010, tại Collegeville, Minnesota, Hoa Kỳ.

Lời nói đầu của cha Mark R. Francis, CSV. và cha Keith F. Pecklers, SJ., đã đưa ra một nhận định rằng : “Cha Anscar mô tả quyển sách này như một ký ức Phụng vụ, cùng chia sẻ với độc giả ‘ký ức của mình về con người và sự kiện’ đã hình thành nên một nhà Phụng vụ như công việc của cha bây giờ… Quyển sách này trình bày một cái nhìn về đời sống Phụng vụ của Hội thánh từ Công đồng Vaticanô II.”

Là một tu sĩ dòng Biển Đức (OSB.), cha Anscar Chupungco đã đắm chìm trong truyền thống Phụng vụ của Hội thánh. Với Lời Tựa khiêm tốn, cha đã đưa ra cho độc giả cái nhìn tổng quát về mục đích và nội dung của quyển sách, và phần nào về nền tảng giáo dục Phụng vụ của cha.

“Tôi xem quyển sách này là sản phẩm từ những suy tư của tôi về phụng tự sau hơn ba mươi năm nghiên cứu và giảng dạy về đề tài này. Đây cũng là một quyển sách tham luận về Phụng vụ. Trong quyển sách này, tôi chia sẻ với quý độc giả hồi ức của tôi về con người và những sự kiện đã thành hình hay ảnh hưởng đến sự nghiệp của tôi, một nhà nghiên cứu Phụng vụ… Quyển sách này không phải là một quyển sách giáo khoa, nhưng nội dung của nó có thể hữu ích cho những ai muốn biết thêm về thần học Phụng vụ mà không cần thêm những quyển sách tham khảo thông thường, hay vốn từ vựng chuyên môn cao.”

“Tôi được định hình trong nền Phụng vụ của Công đồng Vaticanô II, vào lúc mà Công đồng kết thúc và công việc cải cách hậu Công đồng đang tiến hành. Các giáo sư của tôi ở Học viện Giáo hoàng về Phụng vụ đều rất tích cực trong các ủy ban khác nhau của Vaticanô hay trong Hội đồng cố vấn soạn thảo Hiến chế Phụng vụ.”

Từ những mục đích và bối cảnh như vậy, chúng ta nhận ra được phần nào nội dung của quyển sách này. Cha Anscar muốn nói đến những thay đổi Phụng vụ, cả tích cực lẫn tiêu cực, hậu Công đồng Vaticanô II.

Quyển sách gồm năm chương và phần kết luận được sắp xếp giống như giáo trình về Phụng vụ.

Chương Một với tựa đề “Mang cả bản tính con người và thần linh”. Chương này bàn về những tiền đề căn bản của những canh tân Phụng vụ hậu Công đồng. Tựa đề và nội dung của chương dẫn nhập này được gợi hứng từ những dòng mở đầu của Hiến chế Phụng vụ (Sacrosanctum Concilium) : “Chính là bản tính đích thực của Hội thánh, một Hội thánh có đặc tính vừa nhân loại vừa thần linh, vừa hữu hình vừa chứa đựng những thực tại vô hình, vừa nhiệt thành hoạt động vừa sốt sắng chiêm niệm, hiện diện nơi trần gian nhưng chỉ như người lữ hành ; và trong Hội thánh, yếu tố nhân loại phải quy hướng và lệ thuộc vào yếu tố thần linh, những thực tại hữu hình phải quy hướng về những thực tại vô hình, những hoạt động phải hướng về chiêm niệm, và những gì hiện tại phải hướng về thành đô tương lai mà chúng ta đang tìm kiếm” (số 2).

Trước hết, cha nói đến những căng thẳng do cuộc cải cách Phụng vụ tạo ra : “Tại sao năm mươi năm sau cải cách Công đồng, vẫn còn đó những bất mãn với nền Phụng vụ “mới” diễn ra trong một vài khu vực của Hội thánh ? Phải chăng có một nhu cầu cần cải cách những cải cách của Công đồng Vaticanô II ?”

Sau đó, cha nói đến những thách đố của công cuộc canh tân Phụng vụ mà Hội thánh lúc bấy giờ và ngày nay phải đối mặt : (1) vị trí của công nghệ trong cử hành Phụng vụ, (2) việc giữ ngày Chúa nhật, (3) tính trang trọng tiệm tiến của nghi thức thánh lễ ngày thường, (4) vai trò của phụ nữ, (5) vấn đề hội nhập văn hoá, (6) Phụng vụ các giờ kinh, (7) sự tham dự trọn vẹn và tích cực trong Phụng vụ qua hình ảnh một Hội thánh mải mê chiêm niệm và thinh lặng, (8) chức năng của thế giới tự nhiên, vũ trụ trong Phụng vụ. Chương Một kết thúc với một khảo luận về thân xác con người như là một cấu tố thiết yếu của việc thờ phượng Phụng vụ : “Phụng vụ thánh hoá, cử hành và tôn kính thân xác con người, bởi vì nó “được dự phần vào phẩm giá là hình ảnh của Thiên Chúa” (GLHTCG, số 364).

Chương Hai mang tựa đề “Vậy, Phụng vụ là gì ?”

Cha Anscar cố gắng đi tìm một định nghĩa về Phụng vụ. Tuy nhiên, “Phụng vụ có thể được định nghĩa bằng nhiều cách khác nhau tuỳ vào khía cạnh mà ta muốn nhấn mạnh. Mỗi định nghĩa có một sắc thái đại diện cho một chủ đề, chẳng hạn như tham dự tích cực, hội nhập văn hoá, trung thành với luật chữ đỏ… Phụng vụ là một phức hợp phong phú về thần học, lịch sử, cái nhìn tâm linh, và chăm sóc mục vụ. Điều này giải thích vì sao không một định nghĩa riêng lẻ nào có thể ôm trọn bản chất và mục đích của Phụng vụ. Mỗi định nghĩa có một điều gì đó đóng góp cho ý niệm tổng thể về Phụng vụ.”

Cha Anscar đã đưa ra những chiều kích khác nhau để định nghĩa Phụng vụ : (1) Phụng vụ là phục vụ, với việc khởi đi từ tầm nguyên của từ “leitourgia” đến chỗ những người được trao ban sứ vụ để phục vụ, “linh mục được truyền chức để phục vụ cộng đoàn được quy tụ”. (2) Phụng vụ là việc phụng thờ chính thức của Hội thánh : “Phụng vụ là một hành động được thực hiện do các thừa tác viên được chỉ định cho Hội thánh và nhân danh Hội thánh”. (3) Mối tương quan giữa kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và Phụng vụ. Mối tương quan này được khai triển qua ba ý tưởng : lịch sử cứu độ, mầu nhiệm Vượt Qua và hy vọng, Anamnesis (hành động nghi thức về tưởng nhớ mầu nhiệm Vượt Qua) và Epiclesis (lời cầu nguyện cho sự trao ban và hồng ân của Thánh Thần). (4) Các Á bí tích và Phép lành. (5) Các cấu tố của Phụng vụ : Lời và bí tích, các thành phần khác gồm năm nguyên tắc căn bản của canh tân Phụng vụ cùng với âm nhạc, nghệ thuật, và việc trang hoàng.

Chính cha Anscar, sau khi cố gắng đi tìm định nghĩa cho Phụng vụ cũng nhận thấy rằng: “Tôi luôn xem xét việc phụng tự như một điều gì đó đa diện đến nỗi đâm ra coi nhẹ bất kỳ một định nghĩa thỏa đáng nào. Khi điều gì đó vừa mang tính con người vừa mang tính thần linh, như Lời Nhập thể chẳng hạn, chúng ta chỉ có thể kinh hãi đứng nhìn và chìm đắm trong những điều huyền diệu.”

Chương Ba và Chương Bốn trình bày theo một chuyên luận gồm những yếu tố phụng tự mang chiều kích Tam Vị và Hội thánh học. Sách Truyền Thống Các Tông Đồ thế kỷ III (chương 7, 8, 9 và 21) đã có vinh tụng ca như thế này : “Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, nhờ Người mà mọi vinh quang và danh dự đều quy về Chúa, là Cha và Con và Thánh Thần, trong Hội thánh thánh thiện, bây giờ và mãi mãi. Amen.”

Chương Ba với tựa đề “Đến Chúa Cha, Nhờ Chúa Con, Trong Thánh Thần” trình bày Phụng vụ như cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa và cộng đoàn phụng thờ. Đó là cuộc gặp gỡ “mang tính cá nhân bởi vì chúng ta gặp gỡ với các ngôi vị trong Ba Ngôi Thần Linh. Khi các kitô hữu cầu nguyện, họ không nói với một Hữu Thể Siêu Việt hay một Thực Thể Thần Linh : họ cầu nguyện với Thiên Chúa, Đấng mặc khải chính mình như Ba Ngôi Một Chúa.” Một cuộc gặp gỡ cá vị nhằm làm sáng danh Đức Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng ta, là bí tích, là Đấng Trung Gian, nhờ Người với Người và trong Người, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiện diện trong Ngôi Lời Nhập Thể, trong cuộc đời, sứ vụ và cuộc vượt qua của Đức Kitô, để rồi Thánh Thần ấy cũng hiện diện trong Phụng vụ của Hội thánh.

4.- Chương Bốn mang tựa đề ngắn gọn “Trong Hội thánh”. Theo đó, gọi là Hội thánh hay “cộng đồng những kẻ được triệu tập” thì rất thích hợp, vì Hội thánh kêu gọi và tập hợp mọi người nên một. Do vậy, cha Anscar khai triển chương này đang khi coi Hội thánh là một cộng đoàn phụng thờ, nơi đó chính Thiên Chúa đã gọi và quy tụ dân mới của Thiên Chúa : dân được tuyển chọn (Is 43,20), hàng tư tế vương giả, cộng đoàn các tư tế (Xh 19,16), và một dân thánh, dân dành riêng cho Thiên Chúa (Xh 19,6). Trong cộng đoàn phụng thờ ấy, Đức Kitô là vị Thượng Tế của dân tư tế. Người là đối tượng và cũng là chủ thể cho việc phụng thờ của Hội thánh. Điểm nhấn của chương này là so sánh Phụng vụ như cuộc hiển linh của Hội thánh, nơi đó “Hội thánh được tỏ bày cách đặc biệt khi toàn thể đoàn Dân Thánh của Thiên Chúa tham dự trọn vẹn và tích cực vào những cử hành Phụng vụ, nhất là trong cùng một Hiến lễ Tạ ơn, cùng một lời cầu nguyện, nơi một bàn thờ duy nhất, ở đó giám mục chủ toạ giữa linh mục đoàn và các thừa tác viên đang quy tụ quanh ngài” (Hiến chế Phụng vụ, số 41).

5.- Chương Năm mang tựa đề “Per Ritus et Preces – Nhờ Nghi Lễ và Kinh Nguyện”, được lấy cảm hứng từ Hiến chế Phụng vụ : “Nhờ thấu hiểu các nghi lễ và kinh nguyện, các tín hữu tham dự vào công việc thánh thiêng với sự nhận thức đầy đủ điều mình đang làm, một cách thành kính và dấn thân trọn vẹn” (số 48). Cha Anscar muốn nói đến vẻ ngoài của Phụng vụ được thể hiện qua các nghi thức, biểu tượng, luật chữ đỏ, việc sử dụng ngôn ngữ địa phương, ngôn ngữ nghi lễ, nguyên tắc chuyển ngữ trong Phụng vụ, âm nhạc, đồ thánh, phẩm phục, ảnh tượng thánh, và truyền thông trong Phụng vụ.

Phần kết luận với tựa đề “Phụng vụ và Linh đạo” hoàn tất quyển sách này qua việc giải thích ý nghĩa sâu xa hơn của Phụng vụ. Đó chính là tính thiêng liêng. Cha tóm kết những yếu tố nền tảng của linh đạo Kitô giáo nói chung và linh đạo Phụng vụ nói riêng. Khởi đi từ linh đạo chung là lời mời gọi nên thánh được dành cho tất cả mọi người, bất kể bậc sống nào, dù là mục tử hay thành viên của đoàn chiên. Linh đạo này bao gồm việc thực hiện cách trọn vẹn và trung tín các trách nhiệm được đòi hỏi theo bậc sống của mình, như một cá thể và như một kitô hữu, đặc biệt khi điều này liên quan đến hy tế. Tính tổng thể chính là nét đặc trưng của linh đạo Kitô giáo nói chung. Tiếp đến, cha nêu ra năm thành tố chính của linh đạo Phụng vụ : (1) hoà hợp tâm trí với lời mình đọc, (2) Lời Chúa, (3) các bí tích, (4) Thánh vịnh, và (5) nhận thức thuộc về Hội thánh.

Với quyển sách này, cha Anscar như muốn đưa độc giả vào trong những ký ức Phụng vụ của ngài từ thời hậu Công đồng Vatican II, vào một thế giới Phụng vụ đang bị ảnh hưởng và có những thay đổi đáng kể từ công cuộc canh tân Phụng vụ. Công cuộc canh tân này vẫn đang tiếp diễn và mời gọi con người ngày hôm nay không ngừng bước vào “khu rừng của đạo lý, của ký hiệu, của ẩn dụ, và của thơ ca”. Qua đó, con người được mời gọi khám phá ra hình ảnh, khuôn mặt, tình yêu và sự hiện diện của Thiên Chúa trong Phụng vụ.

Tài liệu tham khảo

Chupungco, Anscar J. What, then, is liturgy?: Musings and memoir. Liturgical Press, 2010.

Tải xuống

Đã Xuất bản

2025-04-19

Cách trích dẫn

Thế, Lân. 2025. “Giới thiệu sách “What, Then, Is Liturgy ? Musings Ang Memoir” Lược Dịch ‘Phụng Vụ Là Gì?’ của tác Giả Anscar J. Chupungco, O.S.B”. Khoa Học Công Giáo Và Đời Sống 5 (1):83-85. https://doi.org/10.54855/csl.255112.

Số

Chuyên mục

Giới thiệu sách

Các bài báo tương tự

<< < 6 7 8 9 10 11 

Bạn cũng có thể bắt đầu một tìm kiếm tương tự nâng cao cho bài báo này.